Bối cảnh Fuji_(lớp_thiết_giáp_hạm)

Vào cuối thế kỷ 19, chiến lược của Hải quân Đế quốc Nhật Bản về căn bản dựa trên trường phái hải quân cấp tiến Jeune École, như được giới thiệu bởi nhà cố vấn quân sựkiến trúc sư hải quân người Pháp Emile Bertin. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi nhà lãnh đạo trong Hải quân Nhật đều đã bị thuyết phục về hiệu quả của học thuyết này; và đã dấy lên những mối lo ngại sau khi Hạm đội Bắc Dương của triều đình nhà Thanh Trung Quốc bắt đầu sở hữu những thiết giáp hạm được chế tạo tại châu Âu.[1] Vì Nhật Bản vẫn chưa có được kỹ thuật và đủ khả năng để có thể tự đóng thiết giáp hạm cho chính mình, nên họ đã quay sang Anh Quốc để đặt hàng hai tàu chiến hiện đại nhất vào năm 1893.

Việc có được ngân quỹ để chế tạo chúng là một cuộc đấu tranh của Chính phủ Nhật Bản. Đề nghị ban đầu được đưa ra trong ngân sách của Thủ tướng Matsukata Masayoshi vào năm 1891, nhưng bị nghị viện Nhật Bản hủy bỏ do những tranh cãi chính trị. Matsukata đưa ra yêu cầu một lần nữa, và khi lại bị từ chối, buộc phải giải tán nội các. Người kế nhiệm, Thủ tướng Itō Hirobumi, dự định thông qua biện pháp ngân sách vào năm 1892, nhưng lại bị thất bại. Điều này đã đưa đến một sự can thiệp cá nhân khác thường bởi Thiên hoàng Minh Trị trong một chiến chỉ ngày 10 tháng 2 năm 1893, trong đó Thiên hoàng đích thân góp ngân quỹ để chế tạo hai thiết giáp hạm bằng cách cắt giảm chi tiêu hàng năm của Hoàng gia, và yêu cầu mọi quan chức chính phủ hành động tương tự khi đồng ý cắt giảm 10% tiền lương của họ. Các giải pháp ngân quỹ dành cho lớp thiết giáp hạm Fuji được nghị viện thông qua không lâu sau đó.[2]